Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

TV thông minh đua phát triển nội dung Việt hóa

Các hãng sản xuất TV thông minh trong nước đang hướng đến phát triển nội dung tiếng Việt cho sản phẩm, như tích hợp dịch vụ xem phim theo yêu cầu, giống như Smart TV ở nước ngoài.
TV thông minh hay Smart TV bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh ở Việt Nam từ cuối năm 2011. Đây là các dòng TV có hỗ trợ kết nối mạng, bổ sung thêm nhiều tính năng giải trí như lướt web, theo dõi tin tức hay nghe nhạc, xem phim trực tuyến, thậm chí gọi điện videocall ngay trên màn hình rộng nhờ giao tiếp Internet (có dây và không dây).
1000038219-LG-Cinema-3D-2012-1-480x0-jpg
TV thông minh thời gian đầu bán tốt nhờ vào các quảng cáo và tính năng 3D. 
Sở hữu nhiều tính năng vượt trội so với chức năng phát hình của TV thông thường nhưng trong thời gian đầu, ngay những khách hàng có Smart TV cũng cảm thấy chưa thật hứng thú với dòng TV này.  Ông Lê Quang Vũ, Giám đốc siêu thị điện máy Media Mart (Hà Nội), cho biết, "nội dung và các dịch vụ đi kèm chưa phù hợp với thị trường Việt là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với Smart TV thời gian đầu. Số TV thông minh bán ra vẫn chỉ có thị phần nằm ở khoảng 15% - 25% toàn thị trường TV nói chung và dòng này bán được là nhờ vào quảng cáo và tính năng 3D.”
"3D hay các phụ kiện như bàn phím không dây, webcam chỉ những vũ khí để Smart TV thu hút trong thời gian đầu, nội dung và các ứng dụng mới là thứ quyết định đến sức hút của nó", anh Hoàng Long, một người chơi và kinh doanh chuyên về dịch vụ HD chia sẻ.
Nhưng nửa năm trở lại đây, thị trường TV trong nước đang dần cho thấy những thay đổi khi các hãng đang chuyển sang tập trung mạnh vào phát triển mảng phần mềm, với các dịch vụ và nội dung dành cho Smart TV.
Bước đi đầu tiên được nhiều hãng lựa chọn là cung cấp các ứng dụng miễn phí. LG bổ sung cho TV của hãng mình các ứng dụng đọc báo trong nước như VnExpress, PC World, nghe nhạc trực tuyến NCT... Sau đó, Samsung đưa ra các ứng dụng giải trí như học toán, dạy tiếng Anh, Sony thì tập trung vào mảng tin tức. Các nội dung, dịch vụ và ứng dụng trên TV dạng này đều được Việt hóa, nội dung hướng đến người dùng trong nước.
Tuy nhiên, cuộc đua thực sự bắt đầu khi có sự xuất hiện của các ứng dụng tính phí. Sức hút ở TV thông minh chính nằm ở nội dung như xem phim trực tuyến hay nghe nhạc, người dùng có thể bỏ tiền ra nhưng được thưởng thức nội dung chất lượng tốt. Đây là xu hướng giải trí, thưởng thức nội dung đặc trưng trên TV thông minh, phổ biến ở nước ngoài nhưng mới bắt đầu ở Việt Nam.
LG là hãng đầu tiên ở Việt Nam tích hợp ứng dụng xem phim theo cầu (VOD) Soha Phim vào dòng LG Cinema 3D Smart TV năm 2012 và cả đời 2011 trước đó. Một nhà cung cấp dịch vụ HD nhỏ hơn như HD Hanoi hay diễn đàn chia sẻ phim HDVNBits cũng đưa ra ứng dụng có thể sử dụng trên đầu HD chạy Android, nhưng không phổ biến.
hd-3f9cc9c046f25ab5d6dadcf9dae262f1-png-
Người dùng TV thông minh trong nước đã có thể sử dụng dịch vụ xem phim trực tuyến theo yêu cầu ngay trên TV, giống như nước ngoài.
Thực tế, kho nội dung phim phong phú với chất lượng HD và dễ dàng thưởng thức chỉ với kết nối Internet là điều khiến cho ứng dụng xem phim trên Smart TV thu hút, nhận được nhiều quan tâm, thể hiện bằng cách đánh giá trên những diễn đàn hình ảnh trong nước. "So với ứng dụng trên thiết bị như đầu HD, ứng dụng tích  hợp sẵn trên TV như LG vừa giới thiệu được đánh giá cao hơn, vì không tốn thêm chi phí cho phụ kiện rời, đỡ mất công lắp đắt trong khi cách sử dụng đơn giản", anh Long chia sẻ.
Bài toán thu phí sử dụng ứng dụng hay nội dung trên TV thông minh được các hãng điện tử ở Việt Nam áp dụng khá tốt và linh hoạt. Khác với các kho như App Store hay Google Play của iPhone và Android, các hãng TV ở Việt Nam sử dụng phương thức tính phí đơn giản và thuận tiện hơn. Như với ứng dụng xem phim mà LG vừa cung cấp, người dùng có thể sử dụng cả thẻ cào của mạng di động để nạp tiền trực tiếp cho tài khoản mua phim, thuê bao. Thời gian đầu, hãng dành tặng khách hàng mua các mẫu Smart TV Cinema 3D 2012 (gồm LM9600, LM7600, LM6410, LM6200) voucher ưu đãi xem phim trong vòng 1 năm miễn phí.
Khi phải cạnh tranh quyết liệt về phần cứng và giá thành, việc kinh doanh các ứng dụng và nội dung tính phí trên Smart TV là bài toán hợp lý, giúp thu về lợi nhuận nhiều hơn cho các hãng sản xuất. Thị trường TV trong nước hứa hẹn sẽ còn có cuộc đua phát triển nội dung trên Smart TV quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, ngoài các ứng dụng xem phim hay nhạc sẽ còn cả trò chơi.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét